Văn bản mới

Liên kết website

Văn hóa- xã hội

Truyền thống 60 năm luôn là hành trang của người làm báo

06/04/2024 10:04 68 lượt xem

Bắt đầu từ tờ Tin Hà Giang

Tờ Tin Hà Giang được chính thức ra đời cuối năm 1951, để có thông tin kịp thời về sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh và các hoạt động diễn ra trên địa bàn – đang dồn sức cùng chiến khu Việt Bắc và cả nước tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp. Tờ Tin Hà Giang do Phòng Thông tin trực thuộc Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh xuất bản – 2 trang khổ 30 x 42; đồng chí Phạm Kim Quy trực tiếp phụ trách và làm tin, bài; xuất bản 2 kỳ/tháng, từ năm 1960 lên 3 kỳ/ tháng. Đến năm 1964, tờ Tin Hà Giang đã tồn tại và phát hành 13 năm, có mặt đến các chi bộ cơ sở, làng xã, các cơ quan trong tỉnh, các huyện; thông tin đến nhân dân các hoạt động chính trị, kinh tế; quốc phòng, an ninh. Các gương điển hình làm tốt ở cơ sở trong toàn tỉnh Hà Giang kháng chiến.

Đến sự ra đời của Báo Hà Giang

Chiến thắng lịch sự Điện Biên Phủ chấn động địa cầu 7.5.1954 đã đi đến Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng đi vào dựng xây và phát triển. Lúc này tờ Tin Hà Giang đã như một cái áo chật cần được thay thế cho phù hợp với yêu cầu mới.

Lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh và Báo Hà Giang giới thiệu ấn phẩm báo Hà Giang số Xuân tại Hội Báo toàn quốc (Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024).
Lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh và Báo Hà Giang giới thiệu ấn phẩm báo Hà Giang số Xuân tại Hội Báo toàn quốc (Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024).

Ngày 13.4.1964 BTV Tỉnh ủy Hà Giang đã họp và ra Nghị quyết chuyên đề số 11 NQ/TU “Về công tác của Báo Hà Giang và các bản tin của một số ngành trong tỉnh”. Nghị quyết nêu rõ: Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của báo chí địa phương, kết quả hoạt động của tờ Tin Hà Giang – BTV Tỉnh ủy quyết định “chính thức thành lập cơ quan Báo của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Hà Giang, lấy tên là Báo Hà Giang, Tòa soạn báo là cơ quan của Đảng bộ tỉnh do Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo. Tòa soạn tổ chức theo chế độ Thủ trưởng, cử đồng chí Nguyễn Thế Kỳ, Ủy viên BTV làm Chủ nhiệm chính trị của Báo; đồng chí Phạm Kim Quy làm Tổng Biên tập; định số biên chế 9 người không kể chủ nhiệm). Dừng xuất bản các bản tin của các ngành: Văn hóa, trạm chè, giáo dục, thời tiết nông lịch; các nội dung đang có của các bản tin này chuyển sang đăng trên báo Đảng bộ tỉnh.

Nghị quyết 11 NQ/TU đã chỉ rõ: Hà Giang đang quyết tâm thực hiện kế hoạch 5 năm cùng cả nước; nhưng là một tỉnh nông nghiệp, còn lạc hậu, nhiều dân tộc, trình độ giác ngộ của quần chúng còn thấp, còn khá đông người chưa biết chữ. Vì vậy đối tượng chủ yếu của Báo là cán bộ cơ sở gồm: Tổ trưởng Đảng, đội trưởng sản xuất, tổ trưởng đổi công, cán bộ quản lý hợp tác xã (HTX), cán bộ các ngành, các giới, Bí thư, Chủ tịch xã, các cơ quan, trường học.

Nội dung của Báo là những công tác của cơ sở: Sản xuất nông nghiệp, xây dựng HTX, công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, các đoàn thể quần chúng và mọi hoạt động của nông thôn, vùng cao làm phương hướng chính. Những hoạt động của các ngành, các cấp có liên quan, ảnh hưởng tới sự phát triển của nông thôn và đời sống nhân dân cũng là nội dung tuyên truyền của báo; phải thể hiện được các chủ trương, kế hoạch của Tỉnh ủy , Ủy ban đối với cơ sở trong tỉnh.

Bài viết phải thích hợp với trình độ cơ sở, ngắn, gọn, dễ hiểu, xúc tích; chống xu hướng đơn sơ làm mất tác dụng chỉ đạo của bài; bài dài nhất không nên quá 800 chữ; mỗi số nên có khoảng 3 – 4 ảnh và 2 – 3 bản khắc; phải có một trang tuyên truyền cho vùng cao, trong đó ít nhất phải có một bài bằng chữ tiếng Mông.

Đối với cán bộ làm báo: Phải có kế hoạch học tập chính trị, chủ trương, chính sách, cách làm báo để nâng cao nhận thức và nghiệp vụ; phải có lí thuyết kết hợp thực hành; phải đi xuống cơ sở, bám sát thực tiễn phong trào. Khi chính thức phát hành thì thi hành chế độ nhuận bút cho phóng viên, thông tin viên và chế độ Chính phủ đã ban hành đối với cán bộ làm báo.

Năm 2004, thực hiện các hoạt động tiến đến kỷ niệm 40 năm thành lập Báo Hà Giang. BTV Tỉnh ủy đã giao cho Báo Hà Giang tổ chức Hội thảo chuyên đề và tại hội thảo này đã thống nhất quyết định lấy ngày 13.4.1964, ngày Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 11 NQ/TU, cũng là ngày Báo Hà Giang ra số báo đầu tiên.

Truyền thống luôn là hành trang theo bước chân của người làm báo

Tờ Báo Hà Giang ra ngày 18.4.1964.
Tờ Báo Hà Giang ra ngày 18.4.1964.

Kể từ mốc lịch sử ngày 13.4.1964, tờ Báo Hà Giang đã từng bước phát triển đi lên cùng sự phát triển của quê hương Hà Giang. Năm 1976 sát nhập với Báo Tuyên Quang để báo Hà Tuyên – tiếng nói của Đảng bộ - chính quyền và nhân dân Hà Tuyên ra đời – đây là thời kỳ Hà Tuyên cùng cả nước chung tay trên con đường lớn xây dựng đất nước thống nhất liền một dải. Trong những năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Hà Tuyên trở thành tuyến đầu. Báo Hà Tuyên rồi báo Hà Tuyên Mặt trận đã luôn có mặt khắp mọi nơi, đến với cán bộ, đảng viên, nhân dân – đến với người chiến sỹ nơi chiến hào biên giới! Và để có được điều đó nhà báo chúng ta cũng ra trận, vũ khí của họ là trang giấy, cây bút, chiếc máy ảnh; đưa về toà soạn những bức ảnh, dòng tin, bài viết về cuộc chiến đấu hào hùng gian khổ, khốc liệt, hy sinh đầy quả cảm của quân và dân Hà Tuyên nơi tuyến đầu bảo vệ Tổ quốc. Năm 1991 – Hà Tuyên được chia tách trở về hai tỉnh Tuyên Quang – Hà Giang – từ đây một chặng đường mới lại bắt đầu. Toà soạn Báo Hà Giang được củng cố xây dựng lại từ 8 cán bộ phóng viên đầu tiên được chia quân từ Toà soạn Hà Tuyên. Báo Hà Giang sau chia tách lại bắt đầu từ 1 số/tuần, nâng cấp dần lên và giờ đây 5 số/tuần cùng với Báo Hà Giang điện tử cập nhật 24/24; Báo ảnh vùng cao Hà Giang cực Bắc ra hàng tháng.

Đổi mới phương pháp làm báo để dòng chảy truyền thống luôn hòa nhịp cùng báo chí hôm nay

Nhiều thế hệ nhà báo nối tiếp nhau đã dấn thân, cống hiến cho nghề làm báo nơi Tòa soạn Báo Hà Giang. Họ luôn nhắc nhau thấm nhuần, tôn trọng nét đẹp, cái đúng, cái hay của dòng chảy truyền thống. Vì qua sàng lọc của thực tiễn và thời gian – rất nhiều nội dung và yêu cầu của Nghị quyết số 11 NQ/TU cách đây 60 năm vẫn còn nguyên giá trị - đó là phải hướng về cơ sở - hướng về nhân dân, tìm đến cái mới, cái đúng, cái hay. Có như vậy mới nói đúng, viết đúng điều dân mong, Đảng cần, xã hội muốn và đúng với thực tiễn đang diễn ra – có như vậy mới có được nhiều bài báo thực sự đúng – trúng – hay – kịp thời cho bạn đọc và nhân dân.

Tuy nhiên, công việc của nghề làm báo hôm nay đang đứng trước rất nhiều thách thức đó là yêu cầu chuyển đổi số trong quy trình làm báo; là sự cạnh tranh quyết liệt về thông tin trên cộng đồng mạng; là sự tác động nhiều chiều từ môi trường xã hội luôn quá nhiều biến động đến suy nghĩ, tâm tư của người làm báo… thực tế này vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để người làm báo Hà Giang xác định cho mình phải đổi mới phương pháp làm báo – nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, cởi mở, lắng nghe tôn trọng ý kiến đề xuất cái mới; cung cấp đầy đủ thông tin, văn bản mới; duy trì đều, gắn nội dung sinh hoạt nghiệp vụ báo chí với công việc của chi bộ, chi hội nhà báo, các đoàn thể và quyền lợi của người lao động – Đó chính là những việc chúng ta đã làm để thực hiện quy định về đạo đức nghề báo và tiêu chí cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo hiện nay.

60 năm, một chặng đường dài ghi dấu chân của rất nhiều thế hệ nhà báo đã sống và làm việc, đóng góp và cống hiến của họ đã tạo nên dòng chảy quý giá về Toà soạn Báo Hà Giang từ buổi đầu tiên ngày 13.4.1964 cho đến hôm nay. Truyền thống hào hùng đó luôn đi cùng, là hành trang nâng bước cho những người làm báo Hà Giang trong mọi nẻo đường của nghề làm báo.

Lê Trọng Lập 

(Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh)

Nguồn: Báo Hà Giang

Tin khác